Ikigai không chỉ mang lại sự mãn nguyện cho mỗi cá nhân, mà còn góp phần kiến tạo một xã hội tích cực hơn. Khi mỗi người sống đúng với đam mê và giá trị của mình, họ sẽ có động lực cống hiến, làm việc hiệu quả và truyền cảm hứng đến người khác. Đó chính là lý do vì sao Ikigai ngày càng được quan tâm không chỉ ở Nhật Bản, mà còn ở khắp nơi trên thế giới.
Ikigai (生き甲斐, đọc là “ee-kee-guy”) là một khái niệm triết lý đến từ Nhật Bản, mang ý nghĩa là “lý do để sống” hay “lẽ sống mỗi ngày”. Điều khiến mỗi người cảm thấy cuộc đời đáng để thức dậy mỗi sáng, dù là một công việc, một đam mê, một người thân yêu hay đơn giản là một cảm giác bình yên nội tại.
Trong triết lý truyền thống Nhật Bản, Ikigai được xem là chìa khóa dẫn đến cuộc sống hạnh phúc và viên mãn. Trong khi đó, ở phương Tây, Ikigai thường được hiểu như một phương pháp giúp mỗi người khám phá và theo đuổi sự nghiệp lý tưởng của mình.
Ikigai là thuật ngữ nói về lý do để sống, có nguồn gốc từ Nhật Bản
"Ikigai" xuất phát từ hai từ gốc trong tiếng Nhật:
Khái niệm này có từ thời kỳ Heian (794-1185) - một trong những giai đoạn văn hóa thịnh vượng và thi vị nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ban đầu, Ikigai mang tính trừu tượng, gắn với những giá trị tinh thần, đạo đức và sự cống hiến cho cộng đồng. Theo thời gian, nó được người Nhật phát triển thành một lối sống thiết thực, hòa quyện giữa ý nghĩa cá nhân và trách nhiệm xã hội.
Đặc biệt, ở vùng Okinawa - nơi có tỷ lệ người sống thọ cao nhất thế giới - Ikigai được xem như một phần không thể thiếu trong triết lý sống. Người Okinawa thường không “nghỉ hưu” theo nghĩa truyền thống, bởi họ luôn giữ cho mình một mục tiêu, một niềm vui sống, dù lớn hay nhỏ.
Ngày nay, dù đã vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản, Ikigai vẫn giữ nguyên cốt lõi: giúp con người sống có định hướng, khỏe mạnh về tinh thần và hạnh phúc từ trong sâu thẳm.
Ikigai đã xuất hiện từ thời kỳ Heian, Nhật Bản
Ikigai không phải là một đích đến cụ thể, mà là sự giao thoa tinh tế giữa bốn yếu tố cốt lõi: đam mê (passion), chuyên môn (vocation), sứ mệnh (mission), và nghề nghiệp (professional).
Đây là yếu tố xuất phát từ cảm xúc sâu thẳm bên trong mỗi người - thứ khiến trái tim rung động và tinh thần bừng sáng. Đam mê có thể là bất kỳ điều gì khiến ta thấy vui, thấy mình "sống thật", từ nghệ thuật, âm nhạc đến khoa học hay hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, đam mê chỉ là điểm khởi đầu. Nó cần được nuôi dưỡng và dẫn dắt đúng hướng, nếu không sẽ dễ rơi vào trạng thái mơ mộng, thiếu thực tiễn.
Tài năng và kỹ năng chuyên môn là nền tảng để tả thể hiện giá trị cá nhân một cách rõ ràng. Mỗi người có thể yêu thích một việc nào đó, nhưng nếu không giỏi, hoặc không rèn luyện để trở nên giỏi, thì rất khó để thuyết phục người khác tin tưởng hay trao cơ hội. Việc không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực cá nhân chính là cách để củng cố vị trí của mình trong xã hội, từ đó phát triển sự nghiệp gắn với đam mê và lý tưởng sống.
Sứ mệnh là cảm giác rằng ta đang sống vì một điều gì đó lớn hơn chính mình, và đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi: “Thế giới cần gì từ tôi?” Một cuộc sống chỉ xoay quanh sở thích cá nhân dễ rơi vào sự đơn độc và vô nghĩa nếu không gắn liền với giá trị mang lại cho cộng đồng. Khi ta bắt đầu cảm thấy mình đang đóng góp, đang giúp đỡ, đang tạo ra ảnh hưởng tích cực - dù lớn hay nhỏ - chính lúc đó, ta đang chạm đến sứ mệnh sống của mình.
Khái niệm sứ mệnh không nhất thiết phải gắn với những việc làm lớn lao. Đó có thể là việc truyền cảm hứng, dạy dỗ, chữa lành, bảo vệ môi trường, hoặc âm thầm cống hiến theo cách riêng của mình. Khi đam mê kết hợp với sứ mệnh, mỗi người có một nguồn động lực sâu sắc để kiên trì theo đuổi con đường đã chọn - ngay cả trong những lúc khó khăn nhất.
Trong mô hình Ikigai, nghề nghiệp được xem là yếu tố đại diện cho khía cạnh kinh tế của đời sống - là công việc mà một người có khả năng thực hiện tốt và có thể nhận được thu nhập xứng đáng từ đó. Vai trò của nghề nghiệp không chỉ nằm ở việc mang lại sự ổn định tài chính, mà còn giúp cá nhân duy trì cuộc sống độc lập và chủ động.
Tuy nhiên, nếu nghề nghiệp chỉ được xem như phương tiện kiếm tiền, nó dễ trở thành một guồng quay lặp lại, thiếu cảm hứng và ý nghĩa. Người ta nhận ra rằng khi công việc được kết nối với đam mê và sứ mệnh, nó có thể vượt xa khái niệm “công việc đơn thuần”. Lúc này, nghề nghiệp trở thành hành trình phát triển bản thân, là nơi mỗi người có thể thể hiện giá trị, sống đúng với con người thật và cảm nhận được sự công nhận từ xã hội. Một nghề nghiệp như vậy không chỉ nuôi sống cơ thể, mà còn nuôi dưỡng tinh thần.
Mô hình Ikigai
Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc và sự thỏa mãn trong cuộc sống, Ikigai còn là công cụ thực tiễn giúp con người sống có chủ đích, ý nghĩa và bền vững.
Một trong những lợi ích rõ rệt nhất khi xác định được Ikigai là khả năng duy trì động lực tự nhiên. Khi ta biết rõ điều gì khiến mình thấy có ý nghĩa, mỗi ngày không còn là chuỗi nhiệm vụ nhàm chán, mà trở thành một hành trình đáng mong chờ. Dù công việc có áp lực, dù cuộc sống có khó khăn, nhưng nếu con người cảm thấy mình đang đi đúng hướng, đang sống với đam mê và sứ mệnh, họ sẽ kiên trì hơn, bền bỉ hơn, và không dễ dàng bỏ cuộc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có mục tiêu sống rõ ràng có tỷ lệ trầm cảm và lo âu thấp hơn, đồng thời có hệ miễn dịch tốt hơn. Ikigai như một “liều thuốc tinh thần” giúp con người chống chọi với sự cô đơn, lạc lối và khủng hoảng bản sắc (hay khủng hoảng danh tính). Khi biết mình đang sống vì điều gì, tâm trí trở nên ổn định hơn, lo lắng ít đi và có khả năng đối diện với nghịch cảnh một cách vững vàng hơn.
Một lợi ích thiết thực khác của Ikigai là giúp con người xác định hướng đi phù hợp, tránh việc chạy theo xu hướng, chọn nghề theo số đông hay sống trong hoang mang không mục tiêu. Khi hiểu mình yêu thích điều gì, giỏi về lĩnh vực nào và điều đó có đóng góp gì cho xã hội - ta sẽ dễ dàng đưa ra các quyết định đúng đắn về học tập, nghề nghiệp và các mối quan hệ.
Ikigai không phải là sự ích kỷ xoay quanh bản thân, mà là sự kết nối giữa cá nhân và cộng đồng. Khi mỗi người sống đúng với lý tưởng và sứ mệnh của mình, họ có xu hướng chia sẻ, giúp đỡ, và cống hiến cho người khác nhiều hơn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội, mà còn giúp cá nhân cảm thấy mình được “nhìn thấy” và có ý nghĩa trong tập thể.
Xác định Ikigai giúp mỗi người có động lực và nâng cao sức khỏe tinh thần hơn mỗi ngày
Khám phá Ikigai bắt đầu bằng việc quay về với chính mình và đặt ra những câu hỏi có chiều sâu. Những câu hỏi này không chỉ giúp mỗi người hiểu rõ hơn về sở thích, kỹ năng, nhu cầu xã hội và tiềm năng tài chính, mà còn vẽ nên bức tranh chân thực về điều gì thực sự mang lại cảm giác có ý nghĩa cho cuộc sống.
1. Bạn thích điều gì?
2. Bạn giỏi việc gì?
3. Thế giới cần gì?
4. Bạn có thể được trả tiền để làm những việc gì?
Nếu phần lớn câu trả lời là "có", điều đó cho thấy một người đang sống gần với Ikigai của mình. Ngược lại, những câu trả lời "không" không phải là thất bại, mà là dấu hiệu cho thấy cần điều chỉnh và khám phá lại hướng đi phù hợp hơn.
Khi những câu hỏi khởi đầu chưa đủ để định hình một bức tranh rõ ràng, người ta có thể áp dụng phương pháp động não (brainstorm) như một cách để mở rộng góc nhìn và khám phá những tiềm năng còn ẩn giấu. Việc hình dung về một ngày làm việc lý tưởng - bao gồm bạn đang làm gì, ở đâu, cùng với ai, và trải nghiệm cảm xúc ra sao - được cho là hữu ích trong quá trình này. Từ những hình dung đó, việc ghi lại các ý tưởng, kể cả những điều tưởng chừng phi thực tế, có thể mang lại gợi mở về những thay đổi nhỏ, khả thi để từng bước tiến gần hơn đến điều mình đam mê, có năng lực thực hiện, và mang lại giá trị cho cộng đồng. Việc viết ra không chỉ giúp hệ thống hóa suy nghĩ mà còn có thể dẫn đến những cơ hội bất ngờ.
Điều đáng lưu ý là Ikigai không nhất thiết phải xuất hiện dưới dạng một “công việc hoàn hảo” ngay từ đầu. Nhiều người đã bắt đầu hành trình này từ những thay đổi rất nhỏ - như một thói quen mới, một dự án phụ đơn giản, hoặc một mối quan hệ tích cực mang tính nuôi dưỡng. Chính tư duy cởi mở cùng với tinh thần sẵn sàng học hỏi và phát triển được xem là nền tảng quan trọng để từng bước tiến tới một cuộc sống ý nghĩa và bền vững hơn.
Sau khi đã định hình được bức tranh lý tưởng về mục tiêu sống, bước tiếp theo là đưa những hình dung đó vào thực tiễn. Việc mơ ước là cần thiết, nhưng không đủ - bạn cần chủ động tìm hiểu môi trường làm việc, theo dõi các xu hướng xã hội, và đặc biệt là trò chuyện với những người đang sống và làm việc theo định hướng mà bạn mong muốn. Những trải nghiệm thực tế như tham gia khóa học, đào sâu kiến thức chuyên ngành, hoặc bắt tay vào các dự án nhỏ chính là cách thiết thực để kiểm chứng xem Ikigai mà bạn hình dung có thật sự phù hợp với năng lực, đam mê và điều kiện hiện tại của bản thân hay không.
Song song đó, việc tìm kiếm sự đồng hành từ các chuyên gia hướng nghiệp, người cố vấn (mentor), hoặc các cộng đồng cùng chí hướng sẽ giúp bạn tránh được những ngã rẽ sai lầm, đồng thời rút ngắn hành trình tiến tới một cuộc sống ý nghĩa. Đây không chỉ là một quá trình khám phá, mà còn là hành trình thử thách và rèn luyện - nơi mỗi bước tiến đều góp phần định hình một cuộc đời hài hòa, bền vững và sâu sắc hơn.
Hãy liên tục đặc các câu hỏi liên quan đến công việc của bản thân để tìm ra Ikigai của mình
Nhiều người cho rằng thực hành Mindfulness là một công cụ quan trọng giúp họ khám phá và duy trì Ikigai. Khi rèn luyện khả năng sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, con người dễ dàng nhận biết hơn đâu là điều khiến họ cảm thấy hạnh phúc, điều gì gây căng thẳng, từ đó đưa ra các lựa chọn sống có chủ đích hơn. Việc sống tỉnh thức được xem là cách để thoát khỏi lối sống theo quán tính, giúp mỗi người lắng nghe bản thân một cách sâu sắc hơn.
Một tâm trí có sự tỉnh thức thường không bỏ qua những dấu hiệu như sự nhàm chán, mất định hướng hay thiếu cảm hứng - vốn được coi là những chỉ báo cho thấy ai đó đang dần lệch khỏi con đường Ikigai của mình. Việc duy trì thực hành Mindfulness hằng ngày, dù chỉ trong vài phút, được xem là một cách hiệu quả để giữ sự cân bằng giữa việc “tồn tại” và “sống đúng”.
Nhiều người lựa chọn viết nhật ký như một phương pháp phản chiếu nội tâm giúp họ hiểu rõ hơn về hành trình sống của chính mình. Thông qua việc ghi lại cảm xúc, suy nghĩ, những thành công hay thất bại, họ có thể nhận diện được các mẫu hình trong đời sống - từ điều khiến họ hứng thú đến những điều gây tổn thương, cũng như những giá trị đang theo đuổi. Nhờ đó, quá trình điều chỉnh cuộc sống để tiến gần hơn với Ikigai trở nên cụ thể và khả thi hơn.
Hơn cả một thói quen ghi chép, viết nhật ký còn được xem là hành động đối thoại với chính mình. Nó giúp giữ cho tư duy luôn nhất quán và tạo điều kiện so sánh giữa hiện tại và quá khứ nhằm đánh giá sự tiến bộ. Người hiểu rõ bản thân qua từng trang viết thường có xu hướng đưa ra quyết định chính xác hơn, chọn được hướng đi phù hợp và ít bị dao động bởi tác động từ bên ngoài.
Dù Ikigai là hành trình mang tính cá nhân, nhiều người tin rằng phản hồi từ người khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp họ hiểu rõ hơn về năng lực và giá trị của bản thân. Đôi khi, người xung quanh có thể nhìn ra những điểm mạnh mà chính bản thân ta không nhận thấy, hoặc chỉ ra ảnh hưởng của ta đến thế giới theo cách mà ta chưa từng nghĩ đến.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận phản hồi không đơn giản là chấp nhận mọi ý kiến. Người ta thường lựa chọn lắng nghe những lời góp ý mang tính xây dựng, đến từ những người thực sự hiểu họ và mong muốn họ phát triển. Cách tiếp cận này giúp duy trì sự cân bằng giữa niềm tin nội tại và sự trưởng thành từ những góc nhìn bên ngoài, qua đó sống đúng hơn với Ikigai mà không bị chi phối bởi áp lực xã hội.
Ikigai không phải là điểm đến cố định, mà là một hành trình phát triển liên tục. Chính vì thế, việc lập kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực, mở rộng kiến thức và tiếp cận dần với các mục tiêu dài hạn được xem là cần thiết. Một kế hoạch phát triển bài bản giúp người theo đuổi Ikigai tránh rơi vào cảm giác mông lung hay mất định hướng.
Việc lập kế hoạch cũng được coi là cách cụ thể hóa lý tưởng sống, biến nó thành hành động thực tế. Khi có mục tiêu rõ ràng, lộ trình hợp lý và tiêu chí đánh giá cụ thể, người ta thường cảm thấy có động lực hơn và có trách nhiệm hơn với chính cuộc đời mình. Ngoài ra, sự linh hoạt trong kế hoạch cũng được xem là yếu tố cần thiết, bởi Ikigai có thể thay đổi theo thời gian và các giai đoạn khác nhau của cuộc sống.
Một sai lầm phổ biến là nghĩ rằng sống theo Ikigai đồng nghĩa với phải tạo ra sự thay đổi lớn lao ngay lập tức. Tuy nhiên, một số chuyên gia phát triển cá nhân cho rằng chính những hành động nhỏ, được lặp lại mỗi ngày, mới là nền tảng vững chắc để dần tiến gần đến lối sống lý tưởng. Việc dành thời gian ngắn hằng ngày để làm điều mình yêu thích, thực hành lòng biết ơn, hoặc học thêm một kỹ năng mới được xem là những bước khởi đầu thiết thực.
Theo thời gian, các thói quen nhỏ này có thể tạo ra tác động lớn, giúp duy trì động lực, củng cố tính kỷ luật và tăng cường sự kết nối với mục đích sống. Từ góc nhìn này, Ikigai không phải là một bước ngoặt đột ngột, mà là kết quả của một quá trình tích lũy bền bỉ qua từng ngày.
Ikigai không chỉ nói về bản thân, mà còn là sự kết nối với thế giới. Khi con người quá chú trọng đến bản ngã - như thành tích cá nhân, nhu cầu được công nhận hay sự tự cao - họ có thể đánh mất sự chân thành và mục tiêu cốt lõi trong hành động. Việc buông bỏ cái tôi được cho là giúp cá nhân nhìn nhận lại điều gì thực sự có giá trị, và từ đó lựa chọn sống vì những điều lớn hơn bản thân, như sự cống hiến hay tình yêu thương.
Lối sống dựa trên Ikigai đòi hỏi sự khiêm tốn - thừa nhận rằng bản thân chưa hoàn hảo, và rằng mỗi người đều có vị trí, vai trò riêng trong cộng đồng. Khi không bị chi phối bởi cái tôi, con người có xu hướng dễ tiếp nhận góp ý, sẵn sàng thay đổi và hợp tác hiệu quả hơn. Điều này biến Ikigai thành một dòng chảy tự nhiên trong cuộc sống, chứ không phải là công cụ để khẳng định hay chứng minh điều gì.
Hành trình hướng đến Ikigai được cho là không ngắn và ít khi bằng phẳng. Việc sống đúng với giá trị cá nhân thường đòi hỏi sự kiên nhẫn - để thử nghiệm, học hỏi và chờ đợi thành quả đến một cách bền vững. Trong một xã hội vốn đề cao tốc độ và thành tích, những người lựa chọn tiến chậm mà chắc thường được đánh giá là có sự vững vàng và tự chủ cao hơn.
Sự kiên nhẫn cũng được xem là khả năng vượt qua giai đoạn thiếu động lực hoặc thất vọng khi chưa thấy kết quả rõ ràng. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là phẩm chất cốt lõi giúp cá nhân không bỏ cuộc giữa chừng, mà tiếp tục nỗ lực với niềm tin rằng mọi cố gắng hôm nay sẽ góp phần kiến tạo tương lai. Theo đó, sự trưởng thành thật sự không đến từ những thành công nhanh chóng, mà từ khả năng kiên nhẫn và bền bỉ với chính mình.
Không ít người đã nhận ra rằng Ikigai không nhất thiết phải đến từ những điều vĩ đại hay phi thường. Đôi khi, ý nghĩa sống lại được tìm thấy trong những trải nghiệm rất đỗi đời thường - như chăm sóc cây cối, nấu một bữa ăn cho người thân, hay nhận một lời cảm ơn chân thành. Quan điểm này cho rằng khi con người biết trân trọng những điều giản dị, cuộc sống trở nên sâu sắc và giàu cảm xúc hơn.
Việc tìm thấy hạnh phúc trong cái đơn sơ không đồng nghĩa với việc từ bỏ hoài bão lớn lao, mà là học cách hiện diện trọn vẹn trong hiện tại. Khi cảm thấy đủ đầy từ những điều nhỏ bé, cá nhân sẽ bớt lệ thuộc vào sự công nhận bên ngoài, vì họ đã tìm thấy lý do để sống mỗi ngày - điều mà Ikigai đại diện.
Lối sống đơn giản giúp con người tách khỏi áp lực phải "có nhiều hơn", để tập trung vào "sống sâu sắc hơn". Bằng cách giảm bớt sự tiêu thụ không cần thiết, sắp xếp không gian và thời gian hợp lý, ta tạo ra nhiều khoảng trống cho điều thật sự quan trọng - những giá trị gắn liền với Ikigai.
Hơn nữa, sống hài hòa không chỉ là duy trì quan hệ tốt với người khác, mà còn là sự nhất quán giữa hành động, giá trị và mục tiêu sống. Khi không còn mâu thuẫn nội tâm, con người thường cảm thấy bình an và sống một cuộc đời bền vững hơn. Đây cũng là sự kết nối trọn vẹn giữa bản thân - cộng đồng - thiên nhiên, vốn được xem là cốt lõi sâu xa trong triết lý Ikigai.
Áp dụng Ikigai hiệu quả vào cuộc sống bằng cách lên kế hoạch chi tiết và rèn luyện sự đơn giản
Hành trình khám phá Ikigai tưởng chừng đơn giản nhưng lại đầy thử thách vì nó đòi hỏi con người nhìn lại chính mình một cách trung thực, sâu sắc và kiên trì.
Với hàng loạt câu hỏi cần trả lời, từ đam mê cá nhân, khả năng chuyên môn đến nhu cầu xã hội và yếu tố tài chính, người ta dễ rơi vào trạng thái phân tán tư tưởng hoặc bối rối không biết bắt đầu từ đâu. Trong một thế giới khuyến khích “phải tìm ra mục đích sống ngay lập tức”, nhiều người cảm thấy áp lực khi chưa có câu trả lời rõ ràng, dẫn đến nghi ngờ chính mình.
Thời gian luôn là một rào cản lớn trong việc khám phá và nuôi dưỡng Ikigai. Với lịch trình bận rộn, trách nhiệm gia đình, áp lực tài chính hoặc công việc căng thẳng, nhiều người cảm thấy không còn chỗ để nghĩ về bản thân, càng không thể theo đuổi đam mê.
Tuy nhiên, vấn đề không phải lúc nào cũng nằm ở “thiếu thời gian”, mà ở cách ưu tiên thời gian. Nếu một việc thực sự quan trọng, ta cần học cách dành thời gian cho nó, dù chỉ là 10-15 phút mỗi ngày. Việc tái cấu trúc lại thời gian sống - ví dụ cắt giảm mạng xã hội, dành buổi sáng để viết nhật ký, hay học một kỹ năng vào cuối tuần - có thể là bước đầu tiên để không đánh mất Ikigai trong guồng quay bận rộn.
Nỗi sợ là một rào cản vô hình nhưng rất mạnh mẽ trên con đường khám phá Ikigai. Nhiều người không dám theo đuổi điều mình yêu thích vì sợ thất bại, sợ bị chê cười, sợ không đủ năng lực, hoặc sợ mất đi sự ổn định hiện tại. Những nỗi sợ này khiến chúng ta chọn con đường an toàn, mặc dù không hạnh phúc, thay vì khám phá tiềm năng thật sự của bản thân.
“Tôi không đủ giỏi”, “Tôi không có tài năng đặc biệt nào”, “Tôi không xứng đáng có cuộc sống như vậy” - những niềm tin hạn chế như vậy là rào cản tâm lý ngăn con người tiếp cận Ikigai của mình. Những định kiến này thường hình thành từ quá khứ, từ môi trường giáo dục, gia đình hoặc xã hội, và dần trở thành lăng kính méo mó khi nhìn nhận chính mình. Vấn đề là, nếu không thay đổi niềm tin, bạn sẽ không bao giờ cho bản thân cơ hội phát triển.
Trong thời đại mạng xã hội, nơi mọi người liên tục chia sẻ thành công và cuộc sống “trong mơ”, việc so sánh bản thân với người khác trở thành một thói quen độc hại. Người ta dễ lầm tưởng rằng Ikigai của mình phải giống như ai đó: một công việc rực rỡ, một dự án lớn lao, hay một lối sống lý tưởng. Tuy nhiên, Ikigai là cá nhân, duy nhất và không thể bị rập khuôn. So sánh chỉ khiến ta nghi ngờ bản thân, từ đó đánh mất khả năng lắng nghe tiếng nói bên trong. Thay vì nhìn ra ngoài để đánh giá giá trị cuộc sống, ta nên học cách so sánh chính mình của hôm nay với chính mình của ngày hôm qua - đó mới là thước đo đúng đắn cho hành trình tìm kiếm ý nghĩa sống.
Tâm lý so sánh và sợ hãi thường khiến việc tìm ra Ikigai trở nên khó khăn
Dẫu cuộc sống có muôn vàn lựa chọn, điều quan trọng nhất vẫn là tìm được hướng đi khiến ta cảm thấy "đáng để thức dậy mỗi sáng". Đó chính là Ikigai - một điều nhỏ bé nhưng bền vững, âm thầm nhưng đủ sức nâng đỡ ta qua những thử thách. Khi sống đúng với Ikigai, ta không chỉ sống - ta đang trưởng thành từng ngày trong niềm vui và ý nghĩa.