Một xã hội không hạnh phúc
Thực vậy, trong xã hội hiện tại, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, khối lượng và áp lực công việc cũng tăng cao theo cấp số mũ. Không khó để bắt gặp cảnh tượng một người vừa ăn trưa, vừa kiểm tra hộp email, vừa gọi điện thoại cho đối tác. Hội chứng “quên” và “trễ deadline” cũng diễn ra rất nhiều do lượng công việc khổng lồ mà mỗi người phải đảm nhận. Có khi nào ta ăn một chiếc bánh nhưng trong đầu lại mải mê nghĩ về một việc khác, để rồi khi ăn xong chợt nhận ra mình không nhớ mùi vị của nó? Hay có khi nào ta đang trong cuộc họp nhưng không thể nào tập trung được, đầu óc cứ suy nghĩ lan man về vấn đề nào đó?
Có một nghiên cứu của Đại học Harvard vào năm 2010, được tiến hành bởi hai nhà tâm lý học Matthew A. Killingsworth và Daniel T. Gilbert, với hơn 250.000 dữ liệu thu thập từ một ứng dụng web iphone, đã cho thấy rằng người ta dành khoảng 47% thời gian để suy nghĩ lan man về những chuyện không liên quan đến việc mình đang làm. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tâm trí càng suy nghĩ lan man, người ta càng cảm thấy không hạnh phúc.
Theo khảo sát của hãng Gallup tại Mỹ vào năm 2013, chỉ có 8% người tham gia cho rằng họ có trải nghiệm hạnh phúc từ công việc của mình. Cũng theo khảo sát này, có tới khoảng 70% số nhân viên tham gia khảo sát cảm thấy không gắn kết với công việc, dẫn tới giảm hiệu suất làm việc cũng như thành công của công ty. Hệ quả sâu xa của những vấn đề nêu trên chính là sự lo âu, căng thẳng, bị kiệt sức (burnout syndrome) hoặc tệ hơn là hội chứng karoshi (chết do làm việc quá sức) tại Nhật Bản.
“Tỉnh thức” có phải là lời giải?
Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên? Có lẽ, chúng ta đã quá mải mê chạy theo các yếu tố bên ngoài: thành tích, sự đề bạt, lương bổng…mà quên mất chính mình, quên mất yếu tố bên trong và trở nên bấn loạn. Trước bối cảnh này, mindfulness - trạng thái tỉnh thức và tĩnh tại (1) là vô cùng cần thiết đối với mỗi con người. Có tỉnh thức, ta mới có thể quay về với chính mình, kết nối thân và tâm, “gạn đục khơi trong”, minh định những việc nên làm. Sự tỉnh thức trong mỗi con người sẽ tạo nên sự tỉnh thức của toàn xã hội, từ đó dẫn đến những thay đổi mang tính tích cực và bền vững.
"Trong sự bận rộn ngày nay, chúng ta đều nghĩ quá nhiều, tìm kiếm quá nhiều, mong muốn quá nhiều, đến nỗi chúng ta quên đi niềm vui của việc được sống", theo Eckhart Tolle - Nhà tâm linh, tác giả cuốn sách The Power of Now và A New Earth và được xem là người có ảnh hưởng nhất thế giới về tâm linh.
Thay đổi bắt đầu từ bên trong chính mỗi con người (inside-out), không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, ta cần xem lại cách mình phản ứng với các tác nhân kích thích, cách mình sắp xếp thời gian và thứ tự ưu tiên để xử lý công việc. Khi sống tỉnh thức, ta sẽ có được bình an nội tâm và sự tập trung, sáng suốt để hành động một cách hiệu quả. Nghiên cứu bởi tiến sĩ tâm lý học Richard Davidson tại Đại học Wisconsin đã cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa lối sống tỉnh thức và những thay đổi trong não bộ – giảm thiểu sự tức giận, lo lắng, tăng cường mức độ bình tĩnh và hạnh phúc. Trung tâm nghiên cứu về mindfulness tại Đại học California, Los Angeles (UCLA’s Mindful Awareness Research Center) cũng đã khám phá ra rằng việc thiền (một thực hành của mindfulness) có thể giúp cải thiện các khả năng tập trung (duy trì sự chú tâm, giảm thiểu sự sao nhãng), tốt hơn việc dùng thuốc trong nhiều trường hợp.
Tại sao nhà lãnh đạo cần có lối sống tỉnh thức?
Nếu sống tỉnh thức là quan trọng cho tất cả mọi người, thì đối với nhà lãnh đạo, điều này lại càng hệ trọng hơn hết. Nhà lãnh đạo cũng giống như đầu tàu, nếu lãnh đạo không tỉnh thức, không có sự đồng cảm với nhân viên, tâm trí luôn xáo động thì sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ doanh nghiệp. Cụ thể, giữa một “rừng thông tin” và áp lực công việc hiện tại, việc sống tỉnh thức sẽ giúp nhà lãnh đạo nâng cao khả năng minh định, biết phân định mọi thứ một cách sáng suốt, biết làm gì và bỏ gì, biết tập trung nguồn lực hữu hạn vào những điều quan trọng. Một lãnh đạo thiếu tỉnh thức sẽ dễ dẫn công ty đến những “chỗ chết” chỉ bằng một quyết định sai ở thượng tầng. Một lãnh đạo thiếu tỉnh thức cũng dễ khiến nhân viên bấn loạn trước những chủ trương và kế hoạch không rõ ràng, hoặc cứ thay đổi chóng mặt mà chẳng biết vì sao lại thay đổi.
Rõ ràng, trước thách thức hiện nay, hơn bao giờ hết nhà lãnh đạo cần có một tâm trí tĩnh lặng, sáng suốt và lòng trắc ẩn để đón nhận thách thức và đương đầu với khó khăn. Từ đây, khái niệm “lãnh đạo tỉnh thức” đã ra đời. “Lãnh đạo tỉnh thức” là người thể hiện sự lãnh đạo bằng cách nuôi dưỡng sự tập trung, khả năng minh định, sự sáng tạo và lòng trắc ẩn để phục vụ người khác.
“Hành trình tỉnh thức”
Để lan tỏa lối sống tỉnh thức dành cho lãnh đạo, Mindful Leadership Vietnam (2) đã xây dựng “Hành trình Tỉnh thức” như sau:
Nói cách khác, đây là mô hình đi từ cá nhân tỉnh thức đến nhà lãnh đạo tỉnh thức, và xa hơn nữa là xây dựng một tổ chức tỉnh thức.
Bài đăng trên Báo Khoa Học & Phát Triển ngày 9/8/2019
ĐỐI TÁC TỔ CHỨC ĐỘC NHẤT TRIỂN KHAI KHÓA HỌC SEARCH INSIDE YOURSELF VÀO NGÀY 23&24/10/2019 TẠI TP.HCM
Vui lòng xem thông tin chi tiết về chương trình TẠI ĐÂY |