Trong bài viết này, tiến sĩ Shauna Shapiro nói rằng thiền không chỉ là sự nhận biết trong từng khoảnh khắc, mà nó là một sự nhận biết tò mò và yêu thương, giúp cho chúng ta tương tác với bản thân và người khác với lòng trắc ẩn.
Tôi tham dự khóa thiền đầu tiên của mình 17 năm trước tại Thái Lan. Khi ấy, tôi không biết gì nhiều về thiền, và chắc chắn là cũng không biết tiếng Thái.
Tại tu viện, tôi hiểu chút chút về lời giảng của một vị nhà sư Thái (ông trông rất đẹp). Ông hướng dẫn các thiền sinh chú tâm vào hơi hít vào và thở ra tại lỗ mũi của mình. Nghe thì có vẻ dễ. Tôi bắt đầu thực tập và cố gắng chú tâm vào hơi thở của mình, 16 giờ một ngày. Rất nhanh chóng, điều đầu tiên mà tôi nhận ra đó là: Tôi không thể kiểm soát tâm trí của mình.
Tôi cảm thấy mình thật kém cỏi và thậm chí là hoảng loạn bởi việc tâm trí của mình đi lang thang nhiều như thế nào. Tôi chú tâm vào một hơi thở, hai hơi thở, có thể là ba – và rồi tâm tôi đi đâu mất, lạc vào những ý nghĩ, để lại cơ thể tôi ngồi đó – một vỏ ốc trống rỗng. Cảm thấy bực bội và mất kiên nhẫn, tôi tự hỏi mình: “Tại sao mình không thể làm được điều này? Mọi người đều có vẻ như đang ngồi rất an yên. Điều gì xảy ra với mình vậy?”
Vào ngày thứ tư, tôi gặp một vị sư đến từ London, ông hỏi tôi thiền như thế nào rồi. Đó là lần đầu tiên mà tôi được phép nói chuyện trong bốn ngày, và từ miệng tôi tuôn ra bao nhiêu là nỗi lo lắng đang chồng chất lên mình: “Con là một thiền sinh tệ hại. Con không thể làm được việc này. Con đã cố gắng rất nhiều, nhưng mỗi lần con cố gắng, mọi thứ lại càng rối tung lên. Thiền chắc hẳn là dành cho người khác, những người tâm linh hơn, điềm tĩnh hơn. Con không nghĩ đây là con đường đúng dành cho con.”
Vị sư nhìn tôi với lòng trắc ẩn, đôi chút hài hước trong ánh mắt và nói: “Ôi con ơi, con có đang tập thiền đâu. Con đang tập thiếu kiên nhẫn, phán xét, bực tức, tranh đấu mà.” Và các từ sau mà ông nói đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của tôi: “Điều gì mà con luyện tập sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.” Điều thông thái ấy mà ông nói giờ đây đã được xác nhận từ khoa học thần kinh về tính dẻo của não bộ, cho thấy rằng những gì chúng ta lặp đi lặp lại sẽ giúp định hình nên bộ não của chúng ta.
Vị sư giải thích cho tôi rằng thiền không chỉ là về việc chú tâm, mà còn về cách mà bạn chú tâm. Ông mô tả một sự chú tâm yêu thương và trắc ẩn, nơi mà khi tâm trí của tôi đi lang thang, thay vì trở nên bực tức, tôi có thể tò mò về việc đó, và nhìn nhận trải nghiệm đó với sự nhận biết và lòng trắc ẩn. Thay vì tức giận với tâm trí của tôi, hay trở nên mất kiên nhẫn với chính tôi, tôi có thể tìm hiểu một cách nhẹ nhàng và yêu thương xem cái cảm giác bực tức và thiếu kiên nhẫn là như thế nào.
Bằng cách đó, tôi bắt đầu nuôi dưỡng tình yêu thương đối với chính mình, cũng như là cảm giác quan tâm và tò mò đối với các trải nghiệm mà mình có. Sự chú tâm của tôi bắt đầu được đổ đầy với sự quan tâm và lòng trắc ẩn, cũng giống như cách mà một người mẹ chú tâm đến đứa con của mình vậy. Tôi nói với bản thân rằng: “Tôi quan tâm đến bạn. Hãy nói cho tôi biết về trải nghiệm của bạn.”
Thấu hiểu mối liên kết giữa thiền và lòng trắc ẩn đã giúp chuyển đổi tôi, giúp tôi nâng niu bản thân và các trải nghiệm của mình với nhiều tình yêu thương và sự chăm sóc hơn. Nó cũng ảnh hưởng một cách sâu sắc đến công việc chữa bệnh và nghiên cứu của tôi. Trong các bài viết và nghiên cứu của mình, tôi đã mô tả một cách rõ ràng một mô hình về thiền, trong đó bao gồm những thái độ khi mà ta chú tâm. Thay vì cố gắng kiểm soát hay phán xét những trải nghiệm của mình, ta quan tâm đến chúng với một thái độ trắc ẩn và cởi mở. Chúng ta nuổi dưỡng sự nhận biết của mình, đúng vậy, nhưng quan trọng không kém là ghi nhận những trải nghiệm của chiều kích con người trong sự nhận biết ấy. Đó không phải là một sự nhận biết máy móc, khô cằn. Thay vào đó, đó là một sự nhận biết tò mò, trắc ẩn và yêu thương.
Những nghiên cứu trong suốt hai thập kỷ vừa qua đã ghi nhận các bằng chứng thực nghiệm của mối liên hệ giữa thiền và lòng trắc ẩn, liên tục cho thấy rằng thiền giúp làm gia tăng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn với bản thân và người khác.
Ví dụ như, trong bài viết nghiên cứu đầu tiên của tôi được xuất bản trong Tạp chí Y học Hành vi năm 1998, chúng tôi khám phá ra rằng chương trình Giảm Căng Thẳng Bằng Thiền kéo dài 8 tuần của Jon Kabat-Zinn đã giúp gia tăng đáng kể khả năng đồng cảm của những sinh viên khoa y.
Một nghiên cứu khác mà tôi và đồng nghiệp thực hiện, được xuất bản trong Tạp chí Quản lý Căng thẳng Quốc tế vào năm 2005, đã kết luận rằng việc dạy Giảm Căng Thẳng Bằng Thiền đã giúp gia tăng lòng trắc ẩn đối với bản thân của những người chuyên làm công việc chăm sóc sức khỏe. Gần đây hơn, chúng tôi đã kiểm tra ảnh hưởng của việc thực tập thiền đến các sinh viên chuyên ngành tư vấn tâm lý như thế nào, và khám phá ra rằng thiền giúp gia tăng đáng kể lòng trắc ẩn đối với bản thân, và từ đó giúp giảm căng thẳng và các cảm xúc tiêu cực, và giúp gia tăng các cảm xúc tích cực.
Về cơ bản thì, các nghiên cứu chỉ ra rằng thiền giúp gia tăng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn với bản thân và người khác, và đó đều là những thái độ rất tốt cho bạn. Đối với tôi, nó khẳng định rằng khi chúng ta thực tập thiền, chúng ta cũng đồng thời thực tập khả năng trắc ẩn của mình – nó là bằng chứng cho thấy thiền không chỉ là về việc mài sắc sự chú tâm của bạn.
Tuy nhiên, điều mà chúng ta chưa biết là chính xác thì cách mà thiền giúp tạo ra những ảnh hưởng tích cực đó là gì. Trả lời cho câu hỏi này sẽ là bước quan trọng tiếp theo cho các nghiên cứu và khám phá trong tương lai, để cho chúng ta có thể hiểu hơn về những nhân tố quan trọng trong thực tập thiền.
Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu tập trung cụ thể vào việc thiền giúp chúng ta nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn như thế nào, nhưng tôi có thể đưa ra một vài ý tưởng, dựa trên những năm nghiên cứu, thực tập và nói chuyện với những người hành thiền có nhiều kinh nghiệm.
Đầu tiên, như đã giải thích ở trên, tôi tin chắc rằng thực tập thiền giúp chúng ta học cách trở nên trắc ẩn hơn đối với bản thân mình; và như các nghiên cứu đã chỉ ra, điều này có liên quan mật thiết đến việc trở nên trắc ẩn hơn đối với người khác. Một nghiên cứu mà tôi thường nêu ra, đặc biệt là khi dạy cho các nhà tâm lý trị liệu và các sinh viên đang học để trở thành những nhà tâm lý trị liệu, chỉ ra rằng cách mà chúng ta đối xử với bản thân có mối tương quan cao với cách mà chúng ta đối xử với người khác. Trong nghiên cứu này, đối tượng nghiên cứu là các nhà trị liệu đánh giá mức độ giữa việc họ trắc ẩn đối với bản thân như thế nào so với việc họ tự chỉ trích và phán xét mình như thế nào, và mức độ này có mối tương quan cao với việc họ tương tác với bệnh nhân của họ.
Cũng như vị nhà sư đến từ London đã dạy tôi nhiều năm về trước: “Điều gì mà con luyện tập sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.” Nếu bạn nghĩ về điều đó, bạn sẽ thấy mình có mối quan hệ với bản thân 24 giờ một ngày, và do đó mà chúng ta liên tục thực tập trong mối quan hệ này. Vậy nên nếu thiền thực sự liên quan đến một thái độ tò mò, cởi mở và yêu thương với bản thân (mà tôi tin là như vậy), nó sẽ giúp xây dựng lòng trắc ẩn đối với bản thân, và điều này cũng sẽ giúp củng cố lòng trắc ẩn đối với người khác. Đó là lý do vì sao mà tôi hay nói với các sinh viên của mình: “Hãy nuôi dưỡng lòng trắc ẩn đối với bản thân bạn; hãy làm điều này vì các bệnh nhân tương lai của bạn!”
Tuy nhiên, cũng cần làm rõ rằng, lòng trắc ẩn với bản thân không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng cảm thấy tràn đầy hạnh phúc và yêu thương. Nói một cách đơn giản, lòng trắc ẩn với bản thân nghĩa là chúng ta có sự nhận thức một cách yêu thương và trắc ẩn đối với điều đang xảy ra. Cho nên thậm chí là khi tôi đang cảm thấy tức giận hay bực tức, tôi vẫn có thể nâng niu trải nghiệm của mình với sự nhận thức trắc ẩn. Khi chúng ta bắt đầu chào đón những trải nghiệm của mình theo cách này, chúng ta sẽ có thể ở cùng với nó tốt hơn, quan sát nó một cách rõ ràng hơn, và phản ứng một cách phù hợp; và như các nghiên cứu đã chỉ ra, chúng ta cũng sẽ củng cố những kỹ năng giúp chúng ta mở rộng lòng trắc ẩn đối với người khác.
Theo cách này, tôi thích việc nghĩ về thiền như là một cái nồi to lớn. Tôi bỏ tất cả những trải nghiệm của tôi vào cái nồi này. Cái nồi luôn luôn chào đón và yêu thương, bất kể là những thứ mà tôi bỏ vào không như vậy (chẳng hạn như sự tức giận, muộn phiền, hoang mang). Tôi nấu lên tất cả những thứ này – nỗi đau, sự hoang mang, tức giận, hay niềm vui – một cách liên tục và chắc chắn, giữ chúng trong cái nồi thiền đầy yêu thương và trắc ẩn của tôi. Bằng cách đối xử với những trải nghiệm của mình theo cách này, tôi có thể tiêu hóa được chúng và nhận được những lợi ích từ chúng, cũng giống như khi bạn bỏ một củ khoai tây còn sống vào nồi và nấu nó lên trong vài giờ, nó sẽ trở nên thật ngon và nuôi dưỡng cơ thể của bạn.
Một cách khác mà thiền giúp gia tăng lòng trắc ẩn đó là nó giúp chúng ta nhìn thấy mối tương quan, liên kết giữa chúng ta. Ví dụ như, hãy tưởng tượng bàn tay trái của bạn dính phải một miếng dằm. Một cách tự nhiên, bàn tay phải sẽ tìm cách để rút miếng dằm ra, phải vậy không? Và bàn tay trái sẽ không nói với bàn tay phải: “Ôi, cảm ơn bạn rất nhiều! Bạn thật là tốt bụng và trắc ẩn!” Bàn tay phải rút miếng dằm ra chỉ bởi đó là cách phản ứng đúng đắn và phù hợp. Đó đơn giản là điều bàn tay phải sẽ làm, bởi vì cả hai bàn tay đều là một phần của cùng một cơ thể.
Bạn càng thực tập thiền, bạn càng nhận ra rằng chúng ta đều là một phần của cùng một cơ thể - giống như là tôi là bàn tay phải và bạn là bàn tay trái, và tôi cảm nhận được nỗi đau của bạn, và một cách tự nhiên, tôi muốn giúp bạn. Thiền giúp ta nhìn rõ mối tương quan, liên kết này một cách rõ ràng, từ đó mà lòng trắc ẩn của ta tăng lên và ta có thể hiểu rõ hơn mạng lưới bí ẩn liên kết giữa chúng ta.
Lý do thứ ba mà thiền giúp nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn là nó giúp chúng ta thoát ra khỏi cái cảm giác căng thẳng và bận rộn khiến cho chúng ta chỉ tập trung vào bản thân mà ít quan tâm đến nhu cầu của người khác.
Điều này đã được mô tả một cách nổi tiếng trong thí nghiệm kinh điển “Việc tử tế” được thực hiện bởi John Darley và Daniel Batson vào những năm 1970. Darley và Batson đã giao cho các sinh viên tại Đại học Princeton thực hiện một bài trình bày về chủ đề “Việc tử tế”. Trên đường đến với nơi để thực hiện bài thuyết trình, các sinh viên gặp phải một người đang ngồi ôm đầu và rên rỉ. Các nhà nghiên cứu kiểm tra xem những điều gì khiến cho các sinh viên dừng lại hay không để giúp người này, nhưng chỉ có một biến số quan trọng: đó là liệu các sinh viên có trễ giờ cho phần trình bày của mình hay không. Chỉ 10 phần trăm các sinh viên dừng lại để giúp khi họ đã bị muộn giờ; trong khi nếu họ chưa phải vội thì con số này là gấp 6 lần.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng con người không phải là thiếu sự nhạy cảm hay thiếu đạo đức, nhưng khi mà chúng ta căng thẳng, sợ hãi hay vội vã, rất dễ để chúng ta mất kết nối với những giá trị sâu sắc nhất của mình. Bằng cách giúp chúng ta sống với điều đang diễn ra xung quanh trong phút giây hiện tại, bất kể thời gian, thiền giúp chúng ta kết nối với những điều quan trọng nhất. Cũng giống như nhà sư đạo Phật Suzuki Roshi dạy rằng: “Điều quan trọng nhất là nhớ lấy điều quan trọng nhất.”
Đối với tôi, điều quan trọng nhất là tiếp tục khám phá, với một tâm trí và trái tim cởi mở, về việc thiền thực sự là gì, và giúp làm rõ cách mà nó có thể mang lại những lợi ích to lớn nhất. Rõ ràng là chúng ta chưa có tất cả mọi câu trả lời; nhưng tôi nghĩ rằng điều thú vị nhất là đặt ra những câu hỏi. Cũng như nhà thơ Áo Rilke từng nói: “Hãy kiên nhẫn với mọi thứ chưa được giải quyết trong trái tim bạn và cố gắng yêu những câu hỏi.”
Sự khám phá về thiền đòi hỏi một sự nhạy cảm to lớn và các lăng kính đa dạng về phương pháp luận. Nền khoa học của chúng ta, và cuộc sống của chúng ta, sẽ nhận được nhiều lợi ích từ việc làm sáng tỏ sự phức tạp và phong phú của thiền.
Nguồn: greatergood.berkeley.edu